CHƯƠNG IV: GIÁO HỘI Thưa Hồng Y, Đức Giê-su Ki-tô đã hứa với các tông đồ và những người kế vị, là Ngài sẽ luôn nhắc nhở họ về những lời Chúa dạy, và Ngài vẫn tiếp tục làm điều đó. Hồng Y có cảm nhận nào về lời hứa đó không? Việc Chúa nhắc nhở không nên hiểu một cách máy móc, như kiểu mình có thể gọi ra một dữ kiện từ máy vi tính. Đó là một lời hứa có giá trị cho toàn cả Giáo Hội . Đức Giê-su nói thế này: “Chúa Thánh Linh, người được Chúa Cha nhân danh thầy sai xuống, sẽ chỉ cho anh em mọi sự và giúp anh em nhớ tất cả những gì thầy dạy”. Nói thế, có nghĩa là Ngài không để Giáo Hội phải bước đi một mình, là Ngài không bỏ rơi Giáo Hội, là Ngài giúp Giáo Hội đổi mới trí nhớ để hiểu ra và đào sâu những gì trước đây chưa hiểu. Nhưng không có nghĩa là mỗi cá nhân bất cứ lúc nào cũng có thể đòi cho mình quyền được nhắc nhở đó; và việc nhắc nhở cũng không tới với Giáo Hội một cách đương nhiên. Mà Giáo Hội cần phải cầu nguyện và ghi nhớ liên lỉ, qua đó Chúa Thánh Linh rồi sẽ tác động. Song tôi có thể nói, một cách nào đó, cầu nguyện chắc chắn đã giúp tôi có nhiều cảm nhận. Dù sao cũng đã có nhiều tín hữu nam nữ tuyệt vời, họ nhìn thấu được những mối liên hệ lớn lao và trình bày những hiểu biết phức tạp đó một cách tài tình, để đám đông có thể nắm bắt được. Tôi nghĩ, cũng một phần nhờ họ có mặt trong Giáo Hội và cùng sống với đức tin Giáo Hội, nên họ đã có được ơn soi sáng đó. Giáo Hội có thể mở rộng chân trời hiểu biết và giúp con người đi sâu vào những gì mà một mình họ không thể hiểu nổi. Ngoài ra, cũng có những người được ơn Chúa đặc biệt, mà ta gọi là thánh, nhờ tâm hồn gần Chúa nên họ có khả năng đi sâu vào lời Chúa hơn và làm cho lời đó trở nên sống động trước mắt ta. Có phải tình yêu đã gắn bó ngài với Giáo Hội? Có thể nói như thế. Giáo Hội là nhà của tôi, đó là đại gia đình của tôi, vì thế tôi yêu thương gắn bó với nó, cũng như người ta gắn bó với gia đình mình.Giáo Hội không phải là một sản phẩm tình cờ hay tuỳ nghi của lịch sử, đặc biệt không phải là một sản phẩm như lịch sử hiểu. Nhưng với người ngoài, nó thường được xem là một tổ chức có của và quyền lực, giống như một công ti, nhưng ông chủ ở đây suốt ngày mặc áo thụng chạy lòng vòng. Trước đây, đại giáo chủ Lê-ô có lần nói, để có thể hiểu được đôi chút về Giáo Hội, người ta trước hết phải cởi bỏ đi “cái màn đêm giác quan địa cầu và màn khói khôn ngoan trần thế”. Có thể tiếp cận Giáo Hội trên nhiều bình diện. Người ta có thể nhìn nó thuần tuý như một định chế, như một trong những quyền lực có tổ chức hiện diện trên thế giới, hay nhìn nó với cái nhìn thuần tuý xã hội. Người ta có thể bị sứt mẻ vì những biến cố hoặc cá nhân riêng rẽ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu cứ nhìn dưới khía cạnh định chế, ta chỉ hiểu được Giáo Hội một cách phiến diện. Tôi thấy xã hội duy lí và náo động ngày nay bị cám dỗ nhìn Giáo Hội qua những uỷ ban, hội đồng và họp hành. Người ta muốn nó phải thực tế và dễ nắm bắt hơn, muốn nó phải là một công trình của con người, trong đó rồi ra đa số sẽ biểu quyết những chuyện nên tin hoặc không thể tin, hoặc những chuyện khác nữa. Nhưng làm như vậy là người ta càng ngày càng đẩy Giáo Hội xa khỏi chính nó. Giáo Hội, như thế, sẽ chẳng còn đạt tới được sự sinh động – và dĩ nhiên chẳng còn vươn được tới Chúa nữa. Nếu muốn hiểu đúng Giáo Hội, tôi nghĩ, ta nên tiếp cận nó từ bình diện phụng vụ. Đây là bình diện nói lên nhiều nhất về bản tính Giáo Hội, bởi vì đây là chỗ Chúa luôn tiếp xúc và đổi mới Giáo Hội. Trong phụng vụ, ta phải sống cuộc sống Giáo Hội qua Kinh Thánh, qua các bí tích và lời kinh của tín hữu hoàn vũ. Và nhờ thế, như đại giáo chủ Lê-ô nói, người ta mới có thể gạt đi màn khói làm mờ cái nhìn của ta và bóc đi những cái dằm trong đôi mắt, để chúng dần trở nên sáng và thấy được. Và rồi, người ta sẽ thấy Giáo Hội trong chiều thẳm sâu hơn. Rằng trong đó gồm cả cộng đoàn các thánh, hữu danh hoặc vô danh, những người đã ra đi trước chúng ta. Rằng Giáo Hội hiện thân nơi vô số những tín hữu gắn bó với Đức Ki-tô. Và rằng nguồn cội của Giáo Hội xuất phát từ chính Đức Ki-tô. Chúa Ki-tô là động lực làm cho vườn nho sống và giúp nó đơm hoa kết trái. Trong ý nghĩa đó,Giáo Hội có bản chất sâu xa hơn là những gì có thể thống kê được, hay những gì có được qua biểu quyết. Nó là một cơ phận sống được nhờ bởi chính Đức Ki-tô.
|